Nghẹn ngào ngày trở về của người đàn ông sau 10 năm ngồi tù oan uổng. Có hay không việc ép cung nạn nhân nhận tội ?
Cách đây 10 năm Ông Chấn đã ngồi tù với tội danh giết người. Tuy nhiên sau khoảng thời gian dài đằng đẵng ngồi ăn cơm tù, cuối cùng ông cũng được trả lại tự do với gia đình trong niềm vui sướng và cảm xúc nghẹn ngào.
Vậy câu hỏi đặt ra là có hay không sự vi phạm tố tụng trong vụ án 10 năm trước. Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội ?
Ông Chấn trở về trong niềm vui sướng của gia đình hàng xóm
Trở lại vụ án cách đây 10 năm Theo thông báo của Viện KSND tối cao, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người”. Qua điều tra, ngày 29/9/2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân. Bị cáo Chấn đã kêu oan và làm đơn kháng cáo.
Tiếp đó, ngày 26 và 27/7/2004, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Chấn có khai nhận hành vi giết người nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban Giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND tối cao tòa TAND tối cao xem xét.
Cũng trong thời gian này, vợ phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn có đơn kêu oan cho chồng, trong đó cho rằng hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung (trú cùng thôn với phạm nhân Chấn). Từ đó, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp điều tra, xác minh, vận động đối tượng ra tự thú.
Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, trao đổi thống nhất với lãnh đạo Bộ Công an cần xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm; đồng thời báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý với đề xuất của lãnh đạo liên ngành cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực sự có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao, TAND tối cao sẽ xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án.
Có hay không việc ép cung ? Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội? Trong đơn kêu oan ông Chấn đã trình bày rằng mình bị ép cung. Vậy cơ quan điều tra (VKSND Tối cao) có xem xét vấn đề này không? Đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra, xét xử tới đây, những vấn đề này đều sẽ được xem xét đầy đủ. Nếu có vi phạm tố tụng sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý.
Trả lời chúng tôi, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) xác nhận, VKS kháng nghị "tái thẩm" là chính xác. Bởi hiện nay, tình tiết mới có thể làm thay đổi bản án là việc một đối tượng khác ra nhận tội. Người đang chịu án có thể bị oan. Ngoài ra, các cơ quan điều tra chưa tìm thấy căn cứ nào nói rằng có vi phạm tố tụng trong vụ án.
"Không thể xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp này." - Luật sư Thủy nói.
So sánh với kỳ án hiếp dâm của 3 anh em tại Hà Đông, Hà Nội, ông Thủy cho rằng tính chất hoàn toàn khác. Vụ án đó được "giám đốc thẩm" là do có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Còn chi tiết "huyệt trai trinh" chỉ là do một vài người nói ra, không có căn cứ khoa học và luật pháp.
Trong một bài phân tích của mình, Luật sư Phạm Hồng Hải (Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải, Hà Nội) cũng từng viết: Cả giám đốc thẩm và tái thẩm được hiểu không phải là một cấp xét xử mà là một thủ tục đặc biệt theo đó bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực được xem xét lại trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.
Oan uổng, uất ức và sự khinh bỉ của gia đình hàng xóm ai nhận bây giờ ?
Bà Chiến đã nhiều lần ngất lên ngất xuống trong ngày đón chồng được thả tự do sau 10 năm chịu lao tù. Suốt 10 năm sống trong tù và chịu sự khinh bỉ của bà con hàng xóm, ngay cả người thân trong gia đình. Những tủi nhục và uất ức ấy ai có thể bù đắp được cho ông và gia đình. Vậy trách nhiệm thuộc về ai ? Câu hỏi vẫn chưa thể trả lời.